P2105 tòa T01 C37 Bắc Hà, đường Tố Hữu,P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội
P2105 tòa T01 C37 Bắc Hà, đường Tố Hữu,P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội
Trong nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều ngày 11/11/2022, Quốc hội quyết định chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023. Thay vào đó là thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023.
Cũng từ ngày 01/7/2023, thực hiện tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang ……gắn với lương cơ sở.
Cải cách tiền lương cần thận trọng, hài hòa
Ngay sau khi Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, một số câu hỏi được đặt ra là tại sao điều chỉnh tăng 20,8% mức lương cơ sở mà chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW? Sao không điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/01/2023 mà lại từ ngày 01/7/2023?
Theo Bộ Tài chính, mặc dù xác định việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản tác động đáng kể tới đời sống người dân cả nước, nhưng trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế – xã hội nói chung. Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất từ ngày 01/07/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%), với mức tăng này cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua.
Đồng thời, thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2023 thay vì từ đầu năm 2023 là do thời điểm đầu năm gần với dịp Tết dương lịch và âm lịch, là dịp nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả thông qua tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.
Riêng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 01/01/2023 theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Cũng theo nghị quyết của Quốc hội, sẽ thực hiện tăng 12,5% năm 2023 đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội do NSNN chi trả, trong khi tăng 20,8% đối với cán bộ, công chức và người có công.
Do tác động của dịch Covid-19, sau khi được điều chỉnh tăng vào năm 2019, đến nay chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, trợ cấp ưu đãi người có công. Dự kiến năm 2023, lương cơ sở, trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng 20,8% so với mức năm 2019; theo đó, mức hưởng năm 2023 bằng mức hưởng năm 2019 tăng thêm 20,8%.
Riêng đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội do NSNN chi trả đã được tăng 7,4% vào năm 2022. Như vậy, mức được hưởng hiện hành của nhóm đối tượng này năm 2022 là mức được hưởng năm 2019 tăng thêm 7,4%. Theo đó, với đề xuất tăng 12,5% vào năm 2023, thì mức hưởng năm 2023 dự kiến bằng mức hưởng năm 2022 tăng 12,5%, tương đương với mức hưởng năm 2019 tăng 20,8%. Điều này có nghĩa tương đương với mức tăng 20,8% năm 2023 của các đối tượng là cán bộ, công chức, người có công với cách mạng.
Mức tăng trợ cấp người có công thấp hơn chuẩn nghèo?
Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ (được thực hiện từ năm 2022). So với quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, thì chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 có mức tăng đáng kể. Cụ thể, chuẩn nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500.000 đồng/tháng, tăng 2,15 lần so với mức cũ (là dưới 700.000 đồng/tháng). Theo quy định, đây chỉ là tiêu chí, điều kiện để được hưởng các chính sách hiện hành về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, không phải là mức thực được hưởng, thời gian áp dụng đến hết năm 2025.
Theo đó, việc so sánh chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023 với chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là chưa đồng chất và cần được xem xét kỹ. Việc điều chỉnh chuẩn nghèo thực chất là việc thay đổi tiêu chí, điều kiện xác định hộ nghèo để từ đó xác định đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội, chứ không phải thay đổi mức hỗ trợ của nhà nước đối với người nghèo. Trong khi đó, mức trợ cấp ưu đãi người có công là mức hỗ trợ từ NSNN cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định.
Bên cạnh đó, chuẩn nghèo là tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn dài (từ năm 2022 đến hết năm 2025); trong khi đó trợ cấp người có công được điều chỉnh hàng năm căn cứ vào khả năng của NSNN và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ xã hội.
Mức đóng BHXH, BHYT của các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù sẽ tăng tương ứng với mức tăng tiền lương cơ sở?
Đối với các cơ quan, đơn vị trung ương đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của cấp thẩm quyền: trường hợp đề xuất năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng (theo lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng) thì xử lý như thế nào đối với các khoản đóng góp BHXH, BHYT?
Theo quy định hiện hành, đối với các cơ quan, đơn vị này, người lao động ngoài lương ngạch bậc, được hưởng thêm phần thu nhập đặc thù từ 0,8 đến 2 lần lương ngạch bậc, phụ cấp (trừ phụ cấp công chức, phụ cấp thu hút…). Các chế độ BHXH, BHYT đóng góp như đối tượng cán bộ, công chức khác.
Để thu hẹp dần khoảng cách tiền lương/thu nhập của cán bộ, công chức các đơn vị này so với các cơ quan nhà nước khác, tạo thuận lợi khi triển khai thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Chính phủ trình đã trình Quốc hội “năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng)”. Theo đó, mức lương/thu nhập của người lao động tại các đơn vị này sẽ không tăng so với mức hiện hưởng.
Tuy nhiên, các khoản đóng góp theo lương cơ sở (BHXH, BHYT), theo quy định thực hiện thống nhất với các đối tượng cán bộ, công chức khác, nên sẽ tăng theo mức điều chỉnh lương cơ sở.